ZERO WASTE LÀ GÌ?

NGUYÊN TẮC 5R NHẬP MÔN LỐI SỐNG XANH

Dân số thế giới tăng nhanh, cùng với đó là những vấn đề về rác thải. Ngân hàng thế giới thông tin, năm 2012, số lượng rác được thải ra bởi dân cư đô thị là 1,3 tỉ tấn. Thị trường Quản lí Chất thải rắn Toàn cầu phân tích và dự báo rằng, con số này sẽ tăng lên 2,3 tỉ tấn vào năm 2025. Khi những tín hiệu xấu như thiên tai, tuyệt chủng, ô nhiễm không khí liên tục được gửi về Trái đất. Chúng ta ngày càng ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi người. Từ đó, một trào lưu sống xanh ra đời, có tên gọi là Zero Waste.

1.  Zero Waste là gì?

Zero waste 1

Theo định nghĩa của Zero Waste International Alliance (ZWIA):

“The conservation of all resources by means of responsible production, consumption, reuse, and recovery of products, packaging, and materials without burning and with no discharges to land, water, or air that threaten the environment or human health.”

“Bảo tồn tất cả các nguồn tài nguyên bằng cách sản xuất, tiêu thụ, tái sử dụng và thu hồi có trách nhiệm các sản phẩm, bao bì và vật liệu mà không đốt cháy, không thải ra đất, nước, không khí, đe dọa môi trường hoặc sức khỏe con người.”

Zero Waste thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng sản phẩm có chọn lọc để giảm gánh nặng lên môi trường. Giúp chúng ta quan tâm nhiều hơn đến vòng đời của một sản phẩm, vật dụng. Từ đó có kế hoạch lựa chọn, tái chế một cách hợp lí và hiệu quả.

Hãy tưởng tượng một ngày nếu Trái Đất thân yêu của chúng ta tràn ngập rác thải thì sẽ buồn như thế nào. Endless Vacation xin chia sẻ các tips để các bạn có thể hạn chế rác thải nhé.

2. 5 chữ R cần nhớ khi nhập môn lối sống xanh “Zero Waste".

Chữ R đầu tiên - Refuse: Học cách từ chối và nói không với sự lãng phí

Từ chối nhận quà tặng kèm không cần thiết khi mua sắm; từ chối ống hút nhựa/muỗng nĩa nhựa khi mua cà phê/trà sữa hoặc khi đặt món ăn; mang theo túi vải khi đi mua sắm, hoặc hạn chế nhận nhiều túi nilon nhỏ.Những lúc tham gia hội chợ hay các hoạt động tại trung tâm thương mại, bạn thường sẽ nhận được những món quà miễn phí nhưng đa phần bạn sẽ không sử dụng đến, cuối cùng, chúng trở thành rác mà trăm năm sau vẫn chưa thể phân hủy được. Một món quà lãng phí và tăng thêm gánh nặng cho môi trường thì tại sao ta không từ chối ngay lúc đầu?
 

Zero waste - Refuse

Reduce: Cắt giảm đồ đạc, sống đơn giản cho đời thanh thản

Hãy nhìn một vòng phòng ngủ hoặc bàn làm việc, xem có bao nhiêu món đồ đã lâu không dùng đến? Chúng ta thường mua sắm vì sở thích hoặc vì liêu xiêu trước những chương trình giảm giá, để rồi mang về rất nhiều món đồ chẳng mấy khi dùng đến với số tiền không hề nhỏ. Và, tất cả đều sẽ thành rác.

Mỗi khi quyết định bỏ tiền mua một món đồ, hãy suy nghĩ thật kĩ liệu bạn có cần đến nó không, tính ứng dụng của vật dụng đó như thế nào, vòng đời của món đồ đó rồi quyết định chi tiền cũng không muộn. “Cai nghiện” mua sắm sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ mà còn có thể giảm thiểu rác thải cho môi trường nữa đấy!

 

Zero Waste - Reduce

Reuse - Tái sử dụng và tận dụng hết tính năng của các món đồ

Đừng nhầm lẫn giữa “Reuse” và “Recycle” bạn nhé chúng hoàn toàn khác nhau trên phương diện bảo tồn thiên nhiên. “Recycle” là khi bạn xử lí một sản phẩm để hình thành một sản phẩm mới. Tái sử dụng – Reuse, trái lại, là tận dụng sản phẩm với hình dạng sản xuất ban đầu của nó nhiều lần để tối đa hóa công năng và tăng tuổi thọ sản phẩm. Từ đó ta có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên bị hao tổn cho quy trình tái chế.

Dùng bình đựng nước riêng thay vì ly nhựa, dùng cốc giữ nhiệt của mình khi mua cà phê, đem theo túi tote/túi vải khi mua sắm thay vì lấy túi nilon, dùng hộp đựng thức ăn thủy tinh, inox thay hộp nhựa dùng một lần… Với quần áo hay các món đồ gia dụng hư hỏng, hãy sửa chữa chúng trước khi vứt đi để mua một món mới.

 

Zero waste - Reuse

Recycle - Tái chế đồ vật sau khi đã phân loại

Sau khi đã áp dụng ba bước trên thì chắc rằng những thứ bạn vứt chắc chắn chỉ còn là rác. Trước khi loại bỏ chúng, hãy phân loại cẩn thận để quá trình tái chế – Recycle được thuận lợi.

Bạn nên phân loại nhựa tái chế, vỏ lon nhôm, chai lọ thuỷ tinh ra khỏi túi rác thông thường và đem bán cho những nơi thu mua phế liệu. Với những rác thải kim loại như pin, điện thoại cũ hỏng, đồ điện tử, bạn nên gửi đến các tổ chức thu gom vì thành phần kim loại trong đó sẽ làm ô nhiễm đất và nguồn nước nếu không được xử lý đúng cách.

 

Zero waste - Recycle

Rot - Từ rác thải nhà bếp đến phân xanh cho cây trồng

Chữ R cuối cùng trong chuỗi nguyên tắc sống xanh này là Rot: tạo phân bón cho cây từ rác thực phẩm, thức ăn thừa.

Đối với các thành phần rác thực phẩm có thể phân huỷ như vỏ trái cây, cuống và rễ rau, bạn giữ lại, để riêng vào một túi. Trong túi đó, bạn cho thêm đất và vài chú sâu đất vào, chúng sẽ chuyển hoá phần rác hữu cơ này thành phân bón và bạn có thể dùng để bón cho cây trồng trong vườn với liều lượng vừa đủ. Cách này không chỉ giúp cây phát triển tốt mà còn tiết kiệm và an toàn cho môi trường.

Zero Waste - ROT

 

Những quy tắc rất đơn giản, bạn và gia đình có thể áp dụng ngay và luôn trong cuộc sống của bạn. Yêu môi trường cũng chính là yêu lấy chính cuộc sống của chính chúng ta. Cùng Endless Vacation khám phá nhiều hơn về những khái niệm xanh và hành động vì môi trường mọi người nhé.