NHỮNG ƯỚC NGUYỆN DANG DỞ MANG TÊN HÒA BÌNH

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi…”

Mỗi câu chuyện của các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đều lung linh ánh sáng của huyền thoại “Vạn lý Trường Sơn”。

 

Bằng sự thôi thúc của lòng yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, những chàng trai cô gái tuổi 20, tạm xa ruộng đồng, nhà máy, mái trường, theo tiếng gọi của non sông đã đến với tuyến lửa Trường Sơn dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

 

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và trái tim yêu nước, nhiều chiến sĩ ở Trường Sơn đã làm nên những điều phi thường. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn – nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật- một trong những chiến sĩ lái xe đầu tiên của bộ đội Trường Sơn kể: “Được vào chiến trường để chiến đấu là khát vọng của tất cả tuổi trẻ lúc bấy giờ. Nhưng nếu được trở thành chiến sĩ lái xe để chở hàng, chở quân vào miền Nam thì lại càng phấn khởi, một vinh dự của lớp thanh niên chúng tôi. Bom đạn địch nhiều vô kể nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua”.

Chưa ở đâu, mà con người lại có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai như ở Trường Sơn. Ở Trường Sơn, không ngày nào không có người hy sinh. Nhưng vượt lên nỗi đau mất mát, các đoàn xe vẫn tiến về tiền tuyến, vì một ý chí thống nhất non sông: “ Ngày nào cũng có người hy sinh, nhưng chúng tôi không hề nao núng. Cũng không ai nề hà chuyện đói, khát. Mặc dù trong kho còn gạo nhưng không ai tơ hào một hạt của chiến trường. Tư lệnh cũng phải ăn cháo măng hàng tuần liền. Đó là ý thức của tất cả mọi người vì chiến thắng chung. Sư trưởng cũng nhịn ăn để làm gương cho chiến sĩ”. Ở Trường Sơn, con người dành cho nhau tình nhân ái vô bờ: yêu thương nhau, nhường cơm, xẻ áo, điếu thuốc bẻ đôi… Đó là tình cảm đùm bọc của đồng bào địa phương với bộ đội, dân công, thanh niên xung phong.

 

Đồng bào sẵn sàng ăn sắn, ăn rau, bớt cả khẩu phần ăn của người già, trẻ em, bớt từng củ khoai, củ sắn, miếng đường nhường cho bộ đội。 Hơn 2 vạn bộ đội, thanh niên xung phong đã ngã xuống để giữ cho con đường Trường Sơn huyết mạch thông suốt. 32.000 người bị thương, hàng ngàn người khác phải chịu ảnh hưởng lâu dài của chất độc da cam. Sự hy sinh to lớn ấy đã góp phần làm nên Mùa xuân đại thắng 1975. Những hy sinh to lớn năm xưa đã tiếp sức viết nên trang sử mới của đường Hồ Chí Minh của thời đại ngày nay- thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.

 

Cảm ơn những người anh hùng đã anh dũng hy sinh thân mình vì Việt Nam độc lập. Những ước mơ còn đang dang dở, những giọt nước mắt đã rơi, những nỗi đau không bao giờ xóa nhòa được. Xin cảm ơn vì tất cả! Dẫu thời gian có trôi qua bao lâu, thì trái tim này vẫn luôn hướng về tổ quốc Việt Nam yêu dấu, về đất mẹ hiền hòa với trái tim  tự do và yêu thương không bao giờ ngừng đập. Để Đất Nước này là Đất Nước nhân dân Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại.

 

– Trích bài thơ Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm