TRIẾT LÝ SÂU SẮC ĐẰNG SAU TƯỢNG KHỈ TAM KHÔNG

Tượng 3 chú khỉ thường được bắt gặp tại các nơi linh thiêng như chùa, miếu hoặc những nơi có kiến trúc cổ xưa, nhưng liệu bạn có biết TRIẾT LÝ “TAM KHÔNG” phía sau 3 chú khỉ này không?

 

Có giả thuyết về nguồn gốc của triết lý TAM KHÔNG được một nhà sư Phật Giáo thuộc tông phái Thiên Thai của Trung Quốc đề cập đến trong tác phẩm của ông về việc “Không thấy, không nghe và không nói” vào khoảng thế kỷ thứ VIII. Sau đó, tư tưởng này được du nhập vào Nhật Bản với sự ra đời của hình tượng điêu khắc ba con khỉ. Ngày nay, bộ Khỉ Tam Không xưa nhất là tác phẩm của nhà điêu khắc Hidari Jingoro, được thờ tại đền Toshogu ở Nikko của Nhật Bản.

 

Theo ngôn ngữ Nhật Bản, Mizaru: tôi không nhìn điều xấu, Kikazaru: tôi không nghe điều xấu, Iwazaru: tôi không nói điều xấu.

Mizaru: tôi không nhìn điều xấu
Mizaru: tôi không nhìn điều xấu
Kikazaru: tôi không nghe điều xấu
Kikazaru: tôi không nghe điều xấu
Iwazaru: tôi không nói điều xấu

Tuy vậy, nếu luận về nguồn gốc của của tượng 3 chú khỉ “không nhìn, không nghe, không nói” và triết lý Tam Không thì có rất nhiều phỏng đoán. Phỏng đoán thứ nhất cho rằng nguồn gốc của bộ tượng này bắt nguồn từ Ấn Độ. Khởi nguyên của loạt tượng này là từ thần Vajrakilaya – một vị thần có 6 tay chuyên phá tan mọi trở lực.

 

Thần Vajrakilaya đôi khi được khắc họa trong hình ảnh lấy tay bịt tai, mắt và miệng, nhằm răn dạy chúng sinh không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy. Phỏng đoán thứ 2 cho rằng bộ tượng bắt nguồn từ tư tưởng “Tam Không” của Nhật Bản với hàm ý sâu xa đó là “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn”, “bịt tai để dùng tâm mà nghe”, “bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái tĩnh, không bị rối loạn bởi những điều xấu do mắt nhìn thấy, tai nghe thấy, miệng nói ra, thì tự khắc tâm phát sinh điều thiện và người ta sẽ sống “có tâm”, sẽ nhìn – nghe – nói và làm những điều “có tâm”. Cuối cùng, tư tưởng “Tam Không” cũng có nhiều sự đồng điệu với tư tưởng của Khổng Tử, khi học trò Nhan Uyên hỏi thầy về đức nhân, Khổng Tử đã trả lời rằng: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (tức “không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”) Tóm lại, dù là phỏng đoán nào thì bộ tượng khỉ và triết lý “Tam Không” đều hướng con người đến một giáo lý rằng để giữ được cho mình cái tâm bình lặng, thì “nghe – nhìn – nói” đều phải có chọn lọc. Khi sự nhận thức về thế giới xung quanh thông qua nghe – nhìn – nói trở nên tinh tế, sâu sắc từ trong tâm, con người ta sẽ quan sát, đánh giá được mọi vấn đề một cách vẹn toàn.

 

Nguồn tham khảo: Wikipedia, báo Dân Trí (https://dantri.com.vn/van-hoa/triet-ly-sau-sac-dang-sau-3-chu-khi-che-mat-che-tai-che-mieng-20160205213128543.htm)